'Bàn tay của trời' được thổi làn gió mới

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa dựng lại vở Bàn tay của trời (tác giả: NSND Doãn Hoàng Giang) từng rất ăn khách tại Sân khấu 5B. Lần này đạo diễn Ái Như đã phả vào đó những làn gió mới.

Từ trái sang: Quốc Thịnh (vai thầy đồ), Lê Nguyên Bảo (Nhân), Thế Hải (Đức) trong Bàn tay của trời /// H.K

Từ trái sang: Quốc Thịnh (vai thầy đồ), Lê Nguyên Bảo (Nhân), Thế Hải (Đức) trong Bàn tay của trời

H.K

Tướng cướp Tư Chớp (NSƯT Thành Hội) muốn đổi đời, để con mình được ăn học đàng hoàng, vẻ vang với xã hội nên đã tráo đứa nhỏ vào làm con thầy đồ (Quốc Thịnh). Còn con của thầy đồ thì đem về nhà Tư Chớp. Quả thật khi lớn lên, với sự dạy dỗ của thầy đồ, Nhân (Lê Nguyên Bảo) hiền lành, học giỏi, thi đỗ trạng nguyên. Trái lại, Đức (Thế Hải) ăn chơi, hư hỏng, ngu dốt. Vấn đề là Tư Chớp chỉ nghĩ tới việc “tu hú nuôi con cho quạ”, mà ông ta quên rằng còn có luật nhân quả chi phối. Với những việc làm thất đức của Tư Chớp, cuối cùng con ông ta lãnh đủ: Nhân phải chết vì bị Đức đầu độc. Bàn tay của trời suy cho cùng cũng là theo luật nhân quả.

Ở bản dựng mới lần này, có vẻ như chủ đề giáo dục được tô đậm hơn, với những chi tiết mua bằng cấp, hối lộ thi cử, mua quan bán tước, “càng quyền cao chức trọng mà ngu dốt thì càng hại cho đời”, “trẻ không kính già, trò không kính thầy là mầm mống của đại loạn”... khiến người ta giật mình. Chưa bao giờ vấn đề giáo dục “nóng” như bây giờ với không ít tệ nạn và giáo dục một con người phải từ lúc ấu thơ, chứ đến khi lớn đã bị biến chất, tha hóa đạo đức thì làm sao thay đổi kịp.

Đạo diễn Ái Như còn thêm vào chi tiết oan hồn bà đồ (do chính chị đóng) cứ luẩn quẩn theo con mình, hy vọng tình mẫu tử sẽ giúp con bớt làm việc xấu. Nhiều lớp diễn cảm động và có chút hấp dẫn dù không cố tình làm cho “kinh dị”. Người mẹ là thế, dù con mình có hư hỏng tới đâu thì vẫn thương con, không nỡ rời bỏ. Còn NSƯT Thành Hội thì diễn rất duyên những cảnh loanh quanh chăm chút đứa con dù không dám nhìn nhận nó, bởi tuy là tướng cướp song trái tim ông cũng nặng tình cha, chỉ tiếc ông đã thương con sai cách. Bên cạnh đó, dàn diễn viên trẻ của Hoàng Thái Thanh cũng thừa sức diễn một kịch bản quá chỉn chu.

Điều thú vị nữa là cảnh trí và trang phục của vở rất đẹp. Đó là những bức tranh Đông Hồ duyên dáng đi với trang phục riêng do Sĩ Hoàng thiết kế vừa nền nã, vừa sinh động, tươi tắn. Với không gian lẫn cách dàn dựng được thổi làn gió mới như thế nên vở diễn đã mang đến những cảm giác mới mẻ, thú vị cho người xem.

 


Cũ hơn Bài viết mới