Bàn tay của trời: 'Ván cờ người' giàu cảm xúc

“Bàn tay của trời” là một vở kịch dân gian mà dù đã ba lần xem với ba bản dựng khác nhau thì cái kết của nó vẫn để lại ám ảnh cho người xem. Ai bảo người thiện lương luôn nhận điều lành? Ai bảo kẻ làm điều ác luôn khiến người ta ghét bỏ. Một mong ước đẹp cộng với một điều làm sai đã gây ra bi kịch đầy ám ảnh.

Bàn tay của trời được dựng từ kịch bản Những đứa con oan nghiệt của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Năm 2007, đạo diễn Ái Như đã dựng vở này trên sân khấu 5B, rồi dựng lại trên sân khấu Hoàng Thái Thanh vào bốn năm sau đó (2011). Năm nay, phiên bản mới nhất đã được Hoàng Thái Thanh giới thiệu đến công chúng đủ thấy nữ đạo diễn yêu kịch bản này dường nào. Đây là một kịch bản hay chứa đựng câu chuyện về luật nhân quả đời nào cũng có và không chỉ là chuyện “oan oan tương báo” mà còn miêu tả sự gian dối lọc lừa, quan không ra quan, dân không ra dân “nóng hổi” trong vở kịch.

Một bản dựng hay

Tư Chớp là tên cầm đầu băng cướp ban đêm chuyên đi giết người cướp của, sống cuộc đời giàu sang của một bá hộ. Một ngày, Tư Chớp bỗng chán chuyện chém giết và muốn rửa sạch “truyền thống” cướp bóc ba đời của dòng họ với ước mơ có một đứa con đi vào đường khoa bảng. Mong ước ấy quả đẹp đẽ nhưng do là một tên cướp nên Tư Chớp thực hiện “đánh nhanh rút gọn” bằng cách tráo con qua nhà Thầy Đồ. Từ đây bắt đầu ngọn nguồn của những bi kịch...

Nghệ sĩ Thành Hội ba lần vào vai Tư Chớp mỗi lần đều để lại một ấn tượng khác nhau.

Xuyên suốt vở kịch là màu sắc đối lập giữa gia đình Thầy Đồ và gia đình tướng cướp. Hai cách sống khác nhau tự nó tạo ra sự đối lập ấy. Đạo diễn Ái Như đã giản lược tối đa cảnh trí so với bản dựng trước. Cảnh trí chủ đạo là hai chiếc bục xoay vòng tạo bối cảnh nhà Thầy Đồ, nhà Tư Chớp. Sự tối giản này thú vị ở chỗ có lẽ cuộc đời suy cho cùng cũng chỉ có từng ấy thứ xoay vòng, nếu rơi vào nhà người tốt sẽ là ánh sáng và rơi vào nhà kẻ xấu sẽ là bóng tối và cách sử dụng ánh sáng vở kịch cũng theo quy luật này. Ánh sáng luôn soi chiếu về phía nhà Thầy Đồ với tiếng học bài ê a của con trẻ, với trái tim thanh sạch của cha con Thầy Đồ - những người không nhận lấy bất cứ thứ gì không phải của mình và bóng tối luôn ở phía nhà Tư Chớp – nơi chứa đựng điều ác và mưu toan.

Nghệ sĩ Ái Như (áo trắng) trong vai oan hồn Bà Đồ.

Nhân vật oan hồn Bà Đồ xuất hiện trong bản dựng này là điều hay. Nếu Tư Chớp hằng ngày đem tiền gạo để trước nhà Thầy Đồ và dõi theo sự học của con trai thì Bà Đồ cũng từng bước dõi theo đứa con tội nghiệp của mình. Cha mẹ nào cũng muốn chở che cho con, nhưng khi cái xấu mà gia đình Tư Chớp là đại diện quá mạnh thì một oan hồn yếu ớt như Bà Đồ dù rất nỗ lực hướng con mình đến điều thiện lương chẳng dễ dàng gì.     

Với bản dựng lần này, nghệ sĩ Ái Như nhấn mạnh hơn vào chuyện học hành thi cử. Quan nhận hối lộ, dân chạy điểm thi, chạy chức chạy quyền nên quan không ra quan, dân không ra dân và trò cũng chẳng ra trò. Một vở kịch dân gian nhưng đặt ra một câu hỏi lớn cho hiện tại: Chúng ta có đang như vậy không? Nếu có và nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ nhìn những đứa trẻ lớn lên theo cách nào và một xã hội trong tương lai sẽ được tạo dựng ra sao?  

Sân khấu đẹp và sang trọng với cảnh trí giản đơn, cách đánh sáng đầy ý nghĩa, phục trang tinh tế được lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ dân gian cùng với câu chuyện nhân quả báo ứng và góp một tiếng nói để xây dựng tương lai chắc hẳn sẽ hấp dẫn khán giả, dù đã được ra mắt lần thứ ba. 

Sự kết hợp nhịp nhàng giữa các thế hệ diễn viên

Bản dựng lần này có sự tham gia của khá nhiều diễn viên trẻ của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đây là có lẽ áp lực không nhỏ đối với họ vì cả hai bản dựng trước đều đã thành công. Tuy vậy, bên cạnh sự dày dạn của các nghệ sĩ gạo cội như Thành Hội, Ái Như, các nghệ sĩ thế hệ tiếp theo như Ngọc Tưởng, Quốc Thịnh, Hoàng Vân Anh, Thế Hải cũng đã thể hiện được bản lĩnh của mình và lớp diễn viên mới nhất như Lê Thuý cũng diễn rất tròn vai.

Diễn viên Thế Hải khá thành công với vai Đức.

Cả “ba phiên bản” Tư Chớp của nghệ sĩ Thành Hội đều rất hấp dẫn. Đây là nhân vật có nhiều nét tâm lý để khai thác và cần một diễn viên giỏi để diễn ra vai. Thành Hội vào vai một tên cướp, hằng ngày làm điều ác nhưng vẫn khiến khán giả thương vì trên cả sự hung ác là tấm lòng của người cha hướng về đứa con của mình. Nhìn ông hằng ngày lấm lét để gạo, để tiền trước cửa nhà thầy đồ ròng rã bao nhiêu năm để con được ăn mặc no đủ và đau khổ thấy cha con thầy đồ thà đói rách chứ không lấy thứ không phải của mình sao mà cảm động.

Cảnh kết đau thương của vở kịch.

Với vai Đào, diễn viên Hoàng Vân Anh cho thấy tuổi nghề đang đến độ chín. Cô đào thương quen thuộc của sân khấu Hoàng Thái Thanh nay hoá thành đào lẳng, lố mà duyên vô cùng. Vai Đức trước kia Quốc Thịnh đã diễn rất thành công, vừa bố láo vừa ngơ ngác nay Thế Hải cũng có được nét riêng của mình. Ngọc Tưởng chuyên vào các vai hiền lành nay “biến mình” thành tên cướp Phi Long và Quốc Thịnh luôn hài hước trên sân khâu nay chững chạc với vai Thầy Đồ cũng là những thay đổi thú vị.

Đạo diễn Ái Như đã đưa diễn viên của mình ra khỏi vùng an toàn thành công.

Lâm Hạnh

Ảnh: Hương Mapu


Cũ hơn Bài viết mới