PNO - Lần thứ 3 trong hơn một thập kỷ, "Bàn tay của trời" lại được đạo diễn Ái Như đưa lên sàn diễn.
Bóng đêm che giấu mọi tội lỗi của Tư Chớp, kẻ cướp gian xảo dưới vỏ bọc của lão Bá hộ giàu có. Thừa mứa tiền bạc, một ngày Tư Chớp bỗng ước mơ con trai chịu đi học và học hành chăm chỉ để được ghi tên lên bảng vàng. Lão nói, cả đời mình đã là kẻ cướp, thì con phải được đổi đời. Nhưng cũng trong cái bóng tối đó, lão đã nảy ra một âm mưu...
|
Con trai cả Phi Long (giữa) chỉ ham cướp bóc nên Tư Chớp mở đứa con trai thứ hai sẽ ham học hành |
Dẫu có ngày ngày đội gạo, mang tiền sang nhà thầy đồ để trả công nuôi dưỡng, dạy dỗ cho “núm ruột” của mình, thì Tư Chớp và cả gia đình của lão cũng chẳng vì thế mà trong sạch lên được. Ngôi nhà đó vẫn cứ lẩn khuất những mưu toan, sự độc ác, giả trá. Tất cả không chỉ được mô tả bằng tính cách những con người trong ngôi nhà đó, mà còn bằng thứ ánh sáng chấp chới cái sắc đỏ của sự độc ác, của tai ương và điềm báo của sự giả trá.
Ngược với nhà lão Tư Chớp, nhà thầy Đồ luôn đầy ắp ánh sáng ấm áp của tri thức, của niềm tin và của sự minh bạch, trong sáng, dẫu cuộc sống của cha con thầy đồ vẫn rất khốn khó. Nhà có thể nghèo, con có thể đói, nhưng những thứ không thuộc về mình thì cha con thầy đồ không bao giờ đụng đến, dù chỉ là một hạt gạo…Thầy đồ luôn dạy con trai: “Không bao giờ có công danh chân chính bằng sự ngu dốt”.
|
Dẫu nghèo khó nhưng cha con thầy đồ vẫn sống trong sạch, coi trọng lễ nghĩa, tri thức |
Bàn tay của trời (tác giả: NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như) hút người xem ngay từ khi mở màn, không chỉ bởi những điều thiện, cái ác đan xen sau những chiếc áo choàng, mặt nạ trong nhịp rất nhanh, hệt như sự hối hả của cuộc sống đương thời; vở diễn còn kích thích người xem bởi sự tham gia đầy sáng tạo của ánh sáng sân khấu.
Có lẽ đây là một trong những vở diễn hiếm hoi của sân khấu kịch, ánh sáng không phải chỉ để sân khấu đẹp hơn, lung linh hơn mà là một thành tố quan trọng, cùng tham gia kể chuyện, góp phần xây dựng cao trào, tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng và cảm xúc cho người xem.
|
Sắc màu tương phản trong trang phục giữa hai tuyến nhân vật ở Bàn tay của trời |
Lần thứ 3 trong hơn một thập kỷ, Bàn tay của trời lại được đạo diễn Ái Như đưa lên sàn diễn. Điều đặc biệt không dễ tìm được ở những vở diễn khác, là dù đã xem cả hai bản dựng trước, đã thuộc lòng diễn tiến và biết rõ cái kết, thì bản dựng thứ ba vẫn kéo người xem phải dán mắt lên sân khấu, không thể rời.
Vẫn câu chuyện ác giả ác báo mang đậm màu sắc kịch dân gian, bản dựng mới thấp thoáng bóng dáng của liêu trai và được khéo léo thổi đầy ắp những câu chuyện thời sự của ngày hôm nay, từ chuyện bạo lực học đường, mua điểm, nạn chạy chức, chạy quyền…
Tiếng trẻ ê a đọc Tam tự kinh: “Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý” trên nềm âm thanh của bộ gõ và chất liệu của nhạc dân gian Bắc bộ, hoặc trong nền nhạc mang nhiều âm hưởng của âm nhạc dân gian đương đại là một trong những dấu ấn đẹp, để ngay cả khi bước chân ra khỏi khán phòng, những giai điệu, âm thanh ấy vẫn cứ vấn vương trong tâm trí người xem và lại dẫn dắt họ trở về với những day dứt, trăn trở về những vấn đề vở diễn đặt ra cho cuộc sống hôm nay.
Chững chạc với vai thầy đồ nhưng nhiều người xem vẫn nhớ Quốc Thịnh (bìa phải) trong vai Đức ở bản dựng cũ |
Sân khấu có lúc hệt như những bức tranh đông hồ, bởi tông màu nâu, đỏ của thiết kế sân khấu, màu của trang phục và lối trang điểm có chút “cường điệu” của các nhân vật phản diện. Có những “bố cục” khiến người xem bật cười bởi sự hóm hỉnh. Hỉ nộ ái ố của cuộc sống như được mô tả đầy đủ trong "khung hình". Ở đó có kẻ lắm bạc, nhiều tiền nhưng ngu dốt, có kẻ tham lam biết lợi dụng sự ngu dốt, háo danh để vòi vĩnh, có cả những học trò “quý tử” ngỗ nghịch, ham chơi, cậy được cha mẹ nuông chiều, phá vỡ mọi quy tắc lễ giáo chốn học đường… và có cả những cô gái cơ hội, chuộng cuộc sống vật chất, sẵn sàng đạp qua dư luận để đạt mục đích của mình…
Tư Chớp không sai khi cả cuộc đời sống nhơ nhớp nên nuôi ước vọng con trai sẽ đổi đời, trở thành người giỏi giang, trong sạch. Nhưng tiếc rằng, Tư Chớp lại bắt đầu hiện thực hóa uớc mơ chính đáng bằng một tội ác. Dẫu biết Tư Chớp là kẻ ác, nhưng không hiểu sao người xem vẫn cứ thấy Tư Chớp thật đáng thương.
|
Đức - quý tử ngỗ nghịch, hình ảnh không hiếm trong đời sống hôm nay |
Thương cái dáng lấm lét đội gạo nuôi con từ khi còn mạnh khỏe đến lúc lưng còng, chân chậm. Thương ánh mắt Tư Chớp mỗi khi nhìn con chịu thiệt thòi mà không thể bảo vệ được con… Để rồi cái ngày “oan oan tương báo”, mọi ước mơ vỡ vụn trong chớp mắt. Tiếng gào của Tư Chớp dường như nghe không còn giống tiếng người, mà ngỡ như tiếng kêu cuối cùng của loài thú hoang bị trọng thương… Tiếng gào đủ khiến người nghe chợt rùng mình…để rồi vỡ òa với bi kịch của những người trong cuộc.
Giữ vai Tư Chớp ở cả ba bản dựng, NSƯT Thành Hội vẫn chứng tỏ bản lĩnh của một nghệ sĩ giỏi nghề và đầy năng lượng sáng tạo. Tư Chớp của NSƯT Thành Hội không “già cỗi” mà vẫn tươi mới và đầy sức sống. Diễn như không diễn, anh sống với cuộc đời, cảm xúc của nhân vật nhưng rất tinh tế, sắc, gọn trong từng hành động, biểu cảm…
|
Đào, vai diễn khác lạ thể hiện sự duyên dáng và bản lĩnh của Hoàng Vân Anh |
Đào cũng là một hóa thân đầy bất ngờ của Hoàng Vân Anh. Cô đào chuyên trị chính kịch, từng thử sức với vai hài và giờ lại “lấn sân” sang hài lẳng. Đủ bản lĩnh để giữ cho lối diễn, cách thoại lời cường điệu theo phong cách hài dân gian không bị đi quá đà, mỗi sự xuất hiện của Hoàng Vân Anh trên sân khấu luôn mang lại tiếng cười thú vị.
Một ả Đào lẳng lơ, vì vật chất mà chấp tất cả đã ghi thêm cho Hoàng Vân Anh một vai diễn ấn tượng trong hành trình theo đuổi nghiệp diễn xuất. Có lẽ Hoàng Vân Anh đã bắt đầu bước vào độ chín với đủ trải nghiệm và sự chững chạc để không còn bị bất kỳ dạng vai diễn nào có thể "làm khó" cô.
Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên Ngọc Tưởng, Quốc Thịnh, Thế Hải, Lê Nguyên Bảo, Nguyễn Long, Sĩ Hoàng, Lê Thúy, Kim Phước… Đang diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, 139 Bắc Hải, quận 10 (Nhà Thiếu nhi Quận 10).
Thảo Vân