SỨC HÚT VƯỢT THỜI GIAN CỦA "BÔNG HỒNG CÀI ÁO"

'Bông hồng cài áo', tác phẩm xuất sắc của đoàn kịch Kim Cương 50 năm trước, vừa tái ngộ khán giả qua bàn tay đạo diễn Ái Như tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Một kịch bản tưởng chừng đã cũ lại bất ngờ chứng tỏ sức hút mãnh liệt bất chấp thời gian

Nói đến đề tài tình mẫu tử, hầu như ai cũng phải công nhận sự nổi tiếng của Bông hồng cài áo. Với số suất diễn kỷ lục trên khắp cả nước, vở diễn đã làm rung động hàng triệu con tim. Nhiều thế hệ khán giả đã cùng khóc, cười, suy ngẫm, xót xa với câu chuyện của một người mẹ hết mực yêu thương và hy sinh cho con cái do NSND Kim Cương thủ vai. Bên cạnh đó là diễn xuất của một thế hệ nghệ sĩ tài năng như Ngọc Giàu, Thương Tín, Minh Hạnh, Hồng Ðiệp,... đặc biệt là NSND Bảy Nam trong vai một bà mẹ khác đã làm nên dấu ấn không thể phai mờ trong lòng người xem.

Đối mặt với áp lực phải tái hiện một kinh điển, đạo diễn Ái Như không cố đưa nhiều chất liệu mới dễ làm mờ nhạt giá trị của tác phẩm cũ. Chị trung thành với nguyên tác kịch bản, từ tình huống, lời thoại cho đến sự chăm chút tỉ mỉ về trang phục, cung cách nói chuyện đậm chất Sài Gòn thập niên 1970.

Bên cạnh đó, câu chuyện kịch cũng được bổ sung một số chi tiết mới nhằm làm rõ hơn số phận của nhân vật. Âm mưu vu cáo của cô Út sẽ đi về đâu? Lựa chọn của bà Phán? Cuộc sống của anh em Hiếu, Thảo sau cái chết của dì Tư như thế nào? Điều gì đưa họ đến với mẹ của cô giáo Nga? Những khúc mắc chưa được làm rõ trong bản dựng đầu tiên đã được lý giải đồng thời khắc họa đầy đặn thêm tính cách của các nhân vật như dượng Tư, Nga, Hiếu, Thảo…

Ngoài vai trò đạo diễn, Ái Như còn kiêm nhiệm cả hai vai diễn của NSND Kim Cương và NSND Bảy Nam. Với kinh nghiệm lâu năm, chị dễ dàng lấy nước mắt khán giả bằng diễn xuất tinh tế của mình. Từ những chi tiết nhỏ trong cách đi đứng, nói chuyện, thái độ giận hờn của người mẹ khi con cái xấu hổ và chán ghét thân phận nghèo, nhưng chỉ quay lưng liền lo lắng, chăm sóc cho con… đều được chị chăm chút tỉ mỉ và “rất Ái Như”. Các nghệ sĩ khác cũng không không bị ảnh hưởng bởi cái bóng của thế hệ đi trước.

Người xem dễ dàng phân biệt đâu là cô Út của Bích Ngọc và đâu là của Ngọc Giàu, hay bà Phán do Xuân Hương thủ diễn cũng có nhiều nét mới mẻ. Đặc biệt là vai dượng Tư được Thái Quốc khắc họa đậm nét, mang đến sự ngậm ngùi cho khán giả trong cảnh hợp diễn cùng hai diễn viên trẻ lần đầu bén duyên Hoàng Thái Thanh là Võ Tấn Phát và Phương Trâm.

 

Kế thừa cách kể chuyện mộc mạc, chân phương của kịch Kim Cương, đạo diễn Ái Như chỉ đẩy nhanh tiết tấu kịch bằng các tình huống xung đột được xây dựng mạnh hơn cùng những cao trào cảm xúc “đặc trưng” của Hoàng Thái Thanh. Đây là một thay đổi hợp lý khi vở diễn có thời lượng gần gấp rưỡi so với phiên bản cũ.

 

Xuyên suốt gần 3 tiếng đồng hồ, cả khán phòng chăm chú theo dõi và bị hút vào câu chuyện kịch, không ít khán giả cả nam lẫn nữ đều vành mắt đỏ hoe và chân thành dành tặng các nghệ sĩ những tràng pháo tay vang đội. Điều đó chứng tỏ Bông hồng cài áo vẫn có sức hút mãnh liệt vượt thời gian. Công sức lao động nghệ thuật nghiêm túc của tập thể nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Bích Ngọc, Hoàng Thái Quốc, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Võ Tấn Phát, Phương Trâm, Nguyễn Long, Tấn Đạt… đã làm nên vở diễn chỉn chu, thành công ghi dấu ấn một lần nữa vào lòng người xem.


Cũ hơn Bài viết mới