Vườn nho đắng hóa ngọt ngào

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở kịch Vườn nho đắng (tác giả Mỹ Dung, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) với thông điệp nhân quả, hận thù thật rõ ràng, nhưng cái hậu là sự ngọt ngào của vị tha, tình yêu, tình mẹ…

Thái Quốc, Thành Hội và Quốc Thịnh trong vở 'Vườn nho đắng' /// ẢNH: H.K

Thái Quốc, Thành Hội và Quốc Thịnh trong vở 'Vườn nho đắng'

ẢNH: H.K

Sao vườn nho lại đắng? Bởi nó nhuộm máu của anh đầy tớ nghèo Nguyễn Trọng Tấn. Anh bị chủ vườn là cha con ông Lôi Chấn Phong, Lôi Chấn Vũ cùng người cháu Lôi Chấn Bão đánh đập tơi bời và đuổi đi cùng đứa con còn đỏ hỏn bị bứt rời vú mẹ. Mẹ nó là cô Nguyệt, vì nợ nần gia đình mà bị ép gả cho Lôi Chấn Vũ. Thế là 34 năm bà lẳng lặng sống trong căn nhà chẳng khác nào chiếc lồng chim nhốt lại một tình yêu và tình mẫu tử.

34 năm, khi vườn nho gặp được chàng thanh niên tên Hoàng với khát vọng nghiên cứu, trồng trọt, thì niềm vui và cay đắng nối theo nhau. Để rồi sự thật phơi bày, anh trai của Hoàng trở về trả thù cho cha mình là Nguyễn Trọng Tấn. Ba người đàn ông họ Lôi biết lỗi của mình, chấp nhận đền tội. Thái độ ấy đã làm mọi người cảm thông. Trái nho lại hóa ngọt ngào trong tha thứ và đoàn viên.

Lê Thuý và Thế Hải trong vở Vườn nho đắng (ảnh: H.K)Lê Thúy và Thế Hải trong vở Vườn nho đắng

ẢNH: H.K

Mô típ này không phải là mới, nó thấp thoáng hình ảnh của đời cô Lựu. Suy cho cùng thì mô típ ép duyên, con rơi, cô đơn trong hôn nhân không ít tác phẩm đã sử dụng, từ văn chương cho đến sân khấu. Nhưng cái duyên của vở kịch này là kể một câu chuyện có màu sắc mới, không quá tối tăm, lại có tung hứng dí dỏm của các nhân vật, thiết kế trang nhã với ý tưởng chủ đạo là những thùng rượu nho… Khán giả dễ chịu, vỗ tay, cười, khóc… như đã từng như thế khi xem kịch Hoàng Thái Thanh.

Điều đọng lại trong trái tim người xem là những câu “giá như…” của ông Lôi Chấn Phong. Ừ, nếu người ta biết suy nghĩ một chút, bớt tham lam chiếm hữu, bớt sân si một chút, thì máu đâu có đổ, tình đâu có tan và nho đâu có đắng. Đắng hay ngọt là do người trồng. Đời cũng vậy, đắng hay ngọt là do mình đã trút thứ gì đó xuống mảnh đất mình đang sống, gieo thiện ác gì đó vào bản thân mình. Đừng làm, để rồi buột miệng “giá như…”.

NSƯT Thành Hội có lẽ là “lão làng” duy nhất bên cạnh một loạt diễn viên trẻ như Hoàng Vân Anh, Lê Thúy, Thái Quốc, Quốc Thịnh, Thế Hải, Công Danh, Nguyễn Long. Nhưng họ trẻ mà diễn rất giỏi, rất quen thuộc với khán giả nơi đây. Lần này ấn tượng mạnh nhất thuộc về Thái Quốc vai ông nội Lôi Chấn Phong. Nét hài hài của anh không quá lố mà chỉ vừa đủ cười duyên dáng.

Thái Quốc bên ngoài sống vui vẻ, chừng mực, có tay nghề làm túi xách da và vẽ túi xách rất đẹp, lại thêm tay nghề nấu bếp cũng ngon, nhìn anh thật hồn hậu, chân thành. Lên sân khấu, cứ con người ấy mà diễn, nhân vật ông già có ác, nhưng cũng có nét như trẻ con, lạ lắm. Hóa ra cũng chỉ vì thương con trai, muốn nó cưới được cô vợ mà nó thương nên ông cũng nhào vô làm chuyện ác theo nó, để rồi luôn miệng “giá như…”. Nhân vật ác đâu phải lúc nào cũng thâm hiểm, nhe nanh múa vuốt, mà lâu lâu phải có kiểu ác hồn nhiên như vậy cho nó… lạ.


Cũ hơn Bài viết mới