(Thethaovanhoa.vn) - Vừa ra mắt vở Lạc dòng (kịch bản: Ngọc Linh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã lấy được nước mắt của rất nhiều khán giả.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã đi theo dòng bi kịch từ lâu. Lần này, họ lại lại thêm một câu chuyện miền Tây Nam bộ rất đau lòng. Nơi ấy, người ta xây những công trình kinh doanh chặn ngay dòng chảy của dòng sông, bất kể những lời khuyên can nhắc nhở. Thế là dòng sông từ chỗ hiền hòa bồi đắp phù sa cho mảnh đất tốt tươi, lại trở nên cuồng nộ, cuốn phăng những bến bờ, gây sụp nhà, chết người, tang tóc… Sông đã lạc dòng. Người cũng lạc lối cuộc đời. Người phụ nghĩa nhân, bỏ quên lời hẹn ước, chạy theo đồng tiền và ảo vọng phù phiếm.
Sự vô cảm của đồng tiền
Những mặt trái của kinh tế thị trường được soạn giả Ngọc Linh mở ra. Làm giàu là chính đáng, nhưng làm giàu nhờ dựa dẫm thế lực, làm giàu bằng cách hủy diệt môi trường, thì làm sao hạnh phúc. Và trong cuộc bon chen ấy, người nghèo luôn luôn bị thiệt thòi, như ông Sáu Yến, bà Hiền, như anh Tấn, cô Huyền… Người bị phụ tình, người bị ép hôn, người mất nhà, mất đất, con chết, cô đơn… Hình như chỉ có người nghèo là trả giá cho những sai trái mà kinh tế thị trường gây ra, còn phần lợi lộc thì kẻ giàu hưởng hết? Cho nên mới có bi kịch, mới có nước mắt.
Ông Sáu Yến (NSƯT Thành Hội) đang chuẩn bị đấu tranh với bà sui Tám Nho (Bích Ngọc). Ảnh: H.K
Câu chuyện này soạn giả Ngọc Linh viết cách đây gần 20 năm, với tên Đất lở, giờ được Hoàng Thái Thanh tái dựng lại với tên mới và vẫn không mất tính thời sự. Thực tế, đất vẫn lở đâu đó trên mảnh đất này, dòng sông vẫn cuồng nộ đâu đó trên xứ sở này, tình người vẫn lạc lối đâu đó trên cuộc đời này. Mà dù cho đất không còn lở nữa, thì thông điệp về bảo vệ môi trường vẫn vẹn nguyên ý nghĩa.
Không chỉ có đất lở, mà còn có thể những thứ khác bị phá hủy do các dự án kinh tế. Hình như những dự án ngày càng nhiều hơn, ngày càng phình ra với quy mô lớn, chứ không chỉ là một trại heo của cha con anh Thái như trong kịch bản. Những dự án phá cả rừng nguyên sinh, phá cả đất nông nghiệp, gây ô nhiễm không khí, vùng biển… đang làm nhức nhối bao trái tim cộng đồng.
Cô Huyền (Lê Thúy) đang xây đắp ước mơ cùng anh Tấn (Đoàn Thanh Tài). Ảnh: H.K
Tác giả Ngọc Linh 20 năm trước đã có lời cảnh báo. Và bây giờ, thực tế có lẽ còn tệ hại hơn điều ông nói. Và dòng chảy của đồng tiền vẫn ào ào xoáy mạnh vào những bến bờ nhân nghĩa, với sức mạnh kinh khủng hơn xưa, tàn bạo, vô cảm hơn xưa.
Vấn đề là ai sẽ là người đấu tranh để ngăn chặn dòng chảy ấy? Trong kịch bản, hầu như chỉ duy nhất ông Sáu Yến dám ăn thua đủ với cả một ê-kíp hùng hậu, nếu không kể thêm sự hỗ trợ nhỏ bé của bà Năm Vảnh. Một mình ông giữ trọn lời hứa với người bạn đã khuất. Một mình ông lên tiếng với trại heo xây dựng sai trái. Một mình ông bảo vệ cuộc hôn nhân của cháu gái và tới đối mặt với nhà giàu.
Buồn vì giới trẻ “đi vắng”
Ông lão thất thập cổ lai hy phải đứng ra làm trụ cột cho cuộc đấu tranh này. Trong khi đó những người trẻ thì thụ động. Bà Hiền an phận với mối phụ tình, với kiếp nghèo, lấy nước mắt để vơi sầu. Ông Kính, con ông Sáu Yến, phụ tình bà Hiền, đi lấy vợ giàu và phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình vợ. Anh Tấn là thanh niên trẻ khỏe, lại mặc cảm tự ti, cúi gằm đầu trước cuộc hôn nhân ngang trái, thậm chí trốn chạy luôn, khiến cô Huyền thất vọng. Rồi cả cô Huyền ban đầu cũng phản kháng, nhưng thấy buông xuôi thì cô cũng hờn giận chạy về nhà lấy chồng cho xong.
Bà Hiền (Ái Như) gặp lại người yêu cũ là ông Kính (Thái Quốc). Ảnh: H.K
Những nhân vật trẻ ấy làm người xem giật mình. Trong vở diễn, lớp trẻ ấy thụ động ngay bản thân mình, không dám quyết định cuộc đời, không dám xoay chuyển xã hội? Tác giả Ngọc Linh không phải là người bi quan, nhưng tại sao ông xây dựng hình ảnh một lớp trẻ như thế? Người xem chợt thèm những hình ảnh mạnh mẽ như Tấn, dám dõng dạc nói rằng tôi sẽ phấn đấu thay đổi cuộc đời để nuôi vợ nuôi con, dõng dạc che chở cho tình yêu của mình, đi đầu trong cuộc đấu tranh với kẻ xấu.
Tất nhiên, kết thúc vở diễn vẫn là có hậu, rồi tất cả vẫn đoàn tụ, hạnh phúc, trại heo vẫn bị người dân phá bỏ, nhưng hoàn toàn không phải công lao của Tấn. Tấn không đại diện được cho thế hệ tương lai, cho niềm tin của xã hội. Đó cũng chính là nỗi tiếc nuối của người xem. Bởi dù có bi kịch thế nào, người ta vẫn phải tìm lối ra. Và quan trọng hơn, tìm được lối ra ấy phải là những người trẻ.
Hoàng Kim